Cậu Đồng của sân khấu Idecaf 'cháy' vé khi trở lại
Cậu Đồng (đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc) được NSND Trần Minh Ngọc cảm tác từ tác phẩm Tartuffe của nhà viết kịch cổ điển nổi tiếng người Pháp Molière.
Kịch bản xuất hiện lần đầu trên sân khấu Idecaf khoảng năm 2001 và nhanh chóng trở thành vở diễn gây ấn tượng trong nhiều năm liền với khoảng 400 suất diễn.
Các vai diễn ngoại trừ Thành Lộc (vai Cậu Đồng), Hữu Châu (vai ông Phán) giữ nguyên, còn lại hầu hết đều đã thay nhiều diễn viên như bà Phán từng có nghệ sĩ Tú Trinh, Kim Xuân thể hiện, giờ là nghệ sĩ Hoàng Trinh.
Vai Sen có Ngọc Trinh, Thanh Thủy, Hương Giang. Vai bà nội từ Minh Ngọc đến Kim Ngọc, giờ là Kim Duyên…
Chính vì những dấu ấn khó quên đó nên khi nghe tin Idecaf dựng lại vở Cậu Đồng, nhiều người hâm mộ đã háo hức chờ đợi và kết quả là vé cho các suất diễn đầu tiên nhanh chóng hết sạch.
Cậu Đồng lấy bối cảnh năm 1927, trong gia đình của ông Phán. Ông Phán bỗng nhiên tin thánh, mộ thánh và rước cậu Đồng vào nhà để mọi người học hỏi theo… đức hạnh của cậu.
Vì sự sùng bái, mê tín của ông Phán và bà nội khiến cậu Đồng nhanh chóng được kính trọng và làm mưa làm gió trong nhà. Ông Phán quên cả vợ con, nhất nhất chỉ tin cậu Đồng.
Dần dần cậu Đồng lấn át cả ông Phán, tự cho mình quyền cấm cửa những ai mà cậu không thích và xoay chuyển mọi việc trong nhà theo ý mình. Điều đó làm vợ con ông Phán ức chế và quyết tâm vạch mặt sự ranh ma, láu cá của cậu Đồng…
Nói về vở diễn, đạo diễn Trần Minh Ngọc chia sẻ: "Kịch thời cổ điển có thể hơi quá lên một tí, có thể có những cái không thực tế nhưng xét về tính thời sự thì đến hôm nay vẫn có những vấn đề còn nóng bởi sự lừa lọc, mê tín vẫn tồn tại".
Nào chỉ là mê tín dị đoan, trong đời thực bao nhiêu kẻ lừa lọc, gian trá đã dùng mánh khóe của mình đạp đổ người khác, lừa mị thiên hạ để đoạt lợi. Và sự u mê của con người chính là kẽ hở cho những kẻ cơ hội lợi dụng, lộng hành.
Sau Cậu Đồng, tiếp nối những vở kịch gây chú ý được làm lại, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết sắp tới sân khấu đang có kế hoạch dựng lại vở Những con ma nhà hát của tác giả Lê Hoàng, phản ánh những vấn đề đau đầu của sân khấu, của hoạt động nghệ thuật.