Hàng trăm khán giả nhí xem suất đầu 'Ngày xửa ngày xưa 32'

  27/05/2019

Ngày xửa ngày xưa tập ra mắt với hai suất diễn liên tục từ chiều đến tối 25/5, tại Nhà hát Bến Thành (TP HCM), thu hút hàng trăm em nhỏ.

Tác phẩm kể câu chuyện cổ tích về hành trình chị em song sinh Thiên Ngân và Thiên Hà (do Lê Khánh và Đình Toàn thủ vai) đi tìm Thủy Long kiếm và cha mẹ. Hai chị em có mẹ là công chúa Thủy Tề và cha là hoàng tử Thiên Long.

Nhân vật Chim Hạc (do Mỹ Duyên hóa thân) dẫn dắt khán giả vào câu chuyện xảy ra dưới lòng biển trong lần sinh nhật mười tám của công chúa Thủy Tề. Vua Thủy Tề bị thế lực Ma Vương hãm hại để đoạt ngôi. Công chúa gặp nạn và được hoàng tử Thiên Long cứu. Hai người nảy sinh tình cảm nhưng Thiên Long phải về trời để chịu phạt theo lệnh của tiên mẫu, công chúa và vua cha bị Ma Vương bắt giam. Chị em Thiên Hà và Thiên Ngân vừa sinh ra đã lưu lạc cha mẹ, được đặt trong nôi, dạt vào bờ và được vợ chồng ông lão bán dưa hấu tìm thấy rồi đem về nuôi dưỡng.

Lê Khánh (trái) và Đình Toàn

Lê Khánh (trái) và Đình Toàn trong vai chị em song sinh Thiên Ngân - Thiên Hà.

Sau 15 năm, hai chị em lớn lên và biết nguồn gốc của mình nên xuống thủy cung tìm mẹ. Họ gặp lại cha cũng đang trở lại nhân gian tìm công chúa. Có cha giúp sức, hai chị em cứu được mẹ và ông ngoại, gia đình sum họp. Câu chuyện kết thúc có hậu, truyền tải đến khán giả nhỏ tuổi thông điệp: Kẻ ác bị tiêu diệt, người hiền lành, lương thiện dù trải qua nhiều gian khó vẫn sẽ có cơ hội gặp được điều tốt. Vở còn giáo dục các bạn nhỏ về lòng hiếu thảo, cội nguồn và tình cảm gia đình.

Sân khấu của Truy tìm thủy long kiếm được đầu tư cảnh trí

Sân khấu của "Truy tìm thủy long kiếm" thay đổi liên tục cảnh trí, ánh sáng. Kịch có 27 suất diễn.

Tác phẩm do đạo diễn Vũ Minh dàn dựng, quy tụ dàn nghệ sĩ: Thành Lộc, Hữu Châu, Mỹ Duyên, Lê Khánh, Đình Toàn, Don Nguyễn... Trong đó, các nghệ sĩ gạo cội như Thành Lộc, Hữu Châu đóng các nhân vật nền hỗ trợ diễn xuất cho các nghệ sĩ trẻ. Nhiều nghệ sĩ đảm nhận cùng lúc hai vai, đều là phe xấu và mang lại tiếng cười cho khán giả. Thành Lộc đóng vai Ma Lanh (dưới thủy cung) và Lê Lẫn (trên bờ), Hữu Châu vai Ma Le - Lê Lộn, Don Nguyễn hóa thân thành Ma Lon - Lê La...

Truy tìm Thủy Long kiếm đầu tư ở phần bối cảnh dưới thủy cung, mang đậm màu sắc cổ tích châu Á với các nhân vật truyền thuyết: con rồng dài 30 mét, dã nhân cao 8 mét, cây Thủy Long kiếm 15 mét và dải sóng biển khổng lồ trải dài từ sân khấu đến cửa vào khán phòng. Hàng chục diễn viên thay hơn 100 bộ trang phục được thiết kế riêng, giúp sân khấu thêm sống động. Những bài hát rộn ràng và gần gũi với các em được nhạc sĩ Cao Minh Thu viết mới, góp phần tạo nên nét  vui tươi cho vở diễn.

 
 
Vide

Bé Duy Minh, 10 tuổi, chia sẻ: "Con đã đi xem được hai số Ngày xửa ngày xưa.Vở nào con cũng thích vì kịch rất vui nhộn. Ở vở này, con ấn tượng với con rồng, King Kong và thanh kiếm khổng lồ trên sân khấu". Chị Minh Ngọc, 30 tuổi, nhà ở quận 7, cho biết chị là khán giả trung thành của chương trình, đi xem vở từ lúc chưa lập gia đình và có bộ sưu tập những DVD Ngày xửa ngày xưa.

Nhiều lần gắn bó với chương trình, diễn viên Don Nguyễn cho biết: "Lần này tôi đóng hai vai, đều thuộc phe xấu, chuyên đi phá làng phá xóm với tính cách hài hước. Mỗi tập đều gửi gắm đến khán giả nhỏ tuổi những bài học về cuộc sống. Hiện tại, sân khấu kịch thiếu nhi ở TP HCM vẫn còn thiếu, ít vì sự phát triển của loại hình này chưa có sự quan tâm đúng mức. Vì vậy, tôi thấy các show như Ngày xửa ngày xưa góp phần mang đến món ăn tinh thần cho trẻ em thành phố".

Trải qua 32 chương trình, êkíp sân khấu Idecaf cho biết suốt 20 năm, họ luôn nỗ lực duy trì thương hiệu kịch cho thiếu nhi mỗi dịp hè với nhiều vở được yêu thích như: Tấm Cám, Chuyện thần tiên xứ Phù Tang, Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi, Na Tra đại náo thủy cung...

Nguyên Hoàng - https://vnexpress.net/

Tin tức mới Xem tất cả